MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC THƯỜNG KHI CHÂM

R.1- Kim cong: Phải nhẹ nhàng rút kim ra ngay, theo chiều kim cong mà rút, tránh làm gãy kim và gây đau cho người bệnh.

R.2- Kim gẫy: Bình tĩnh, không nên làm cho người bệnh hoảng sợ, giãy giụa làm kim vào sâu hơn. Nếu đầu kim còn ló ra ít hoặc nhiều, dùng kẹp cặp kim ra. Nếu không lấy kim ra được, cần chuyển ngay cho ngoại khoa để giải phẫu lấy ra.

Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy kim thường gãy ở phần cuối thân kim nối với cán kim, vì thế, không nên châm ngập kim vào huyệt để tránh gãy.

R.3- Trệ châm: Sau khi châm kim vào huyệt, kim vướng không lay chuyển được, hoặc không vê được, có thể do: Kim bị rỉ, phải vê ngược chiều lại rồi vê qua vê lại và từ từ rút ra.

• Một số vùng huyệt quá nhạy, các bắp thịt co rút lại, bảo người bệnh làm cho mềm cơ, không gồng mình (lên gân), hoặc dùng tay day vùng cơ quanh huyệt cho cơ dãn ra, hoặc châm thêm một huyệt gần đó để giảm bớt căng cơ.

R.4- Chảy máu: Do châm kim vào tĩnh mạch, lấy bông đè lên và ấn chặt nơi chảy máu, máu sẽ cầm.

• Nếu bị bầm, dùng ngón tay day nhẹ trên miếng bông, chỗ bầm tím tan dần.

• Nếu đau nhiều, dùng khăn tẩm nước nóng đắp một lát sẽ dịu.

R.5- Đau, giật: Khi châm mà người bệnh thấy đau thì hầu hết là do châm không đúng huyệt, có thể đã châm vào mạch máu hoặc xương gây đau.

- Nếu châm vào mạch máu, rút kim ra thấy chảy máu.

- Nếu châm vào xương, rút kim ra thấy kim cong.

- Nếu châm vào đuôi hoặc nhánh dây thần kinh, người bệnh có cảm giác như bị điện giật.