LỰU

( PUNICA  GRANATUM )

  Tên cây : Lựu, an thạch lựu, mác lìu (Tày).
Mô tả : Cây nhỏ, cao 2 - 3m, vỏ thân màu xám. Lá mọc đối hoặc so le, có khi thành từng cụm, cuống ngắn. Hoa đỏ tươi mọc ở đầu cành. Quả mọng, hình cầu, đường kính 5 - 8cm, có đài tồn tại, khi chín màu vàng, đốm đỏ nâu. Hạt nhiều, áo hạt (cơm) ăn được.
Phân bố : Cây trồng để lấy quả ăn, làm cảnh và làm thuốc.
Bộ phận dùng : Vỏ rễ, vỏ thân. Thu hái vào mùa thu. Phơi hoặc sấy khô. Vỏ quả thu hái vào tháng 5 - 6. Dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
Thành phần hóa học : Vỏ rễ, vỏ thân chứa pelletierin, isopelletierin, pseudo-pelletierin, methyl-pelletierin. Vỏ quả : Tanin. Dịch quả có acid citric, acid malic, đường glucosa, fructosa, maltosa.
Công dụng : Chữa sán dây : Ngày 20 - 50g vỏ rễ hoặc vỏ thân khô, dạng thuốc sắc, hoặc 0,30g pelletierin, phối hợp với 0,40g tanin chia làm 3 lần uống. Chữa kiết lỵ, ỉa chảy : Ngày 15 - 30g vỏ quả, dạng thuốc sắc. Thuốc rất độc, dùng thận trọng. Không dùng cho trẻ em, phụ nữ có thai.