THẠCH CAO

( GTPSUM )  

Tính chất: Thạch cao dùng làm thuốc trong đông y là một muối can xi sunfat thiên nhiên có ngậm hai phân tử nước.

  Thạch cao thường là những cục màu trắng hay hồng, gồm rất nhiều tinh thể không màu hơi hay vàng hoặc hơi hồng, thỉnh thoảng có những vết sắt.

  Thành phần chủ yếu của nó là CaSO4.2H2O. trong đó có chừng 32,5% CaO, 46,6% SO3 và 20,9% H2O, thỉnh thoảng có lẫn ít đất sét, cát, chất hữu cơ, hợp chất sunfua, đôi khi có lẫn ít sắt và magiê.

Chế biến : Cần chú ý hết sức tới chế biến, vì nếu không cẩn thận, không nắm vững tính chất có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

1/. Dùng uống: Khi uống, thạch cao chỉ dùng sống nghĩa là rửa sạch tán nhỏ mà uống hoặc sắc uống.

2/. Thạch cao nung chỉ dùng ngoài, khi nung lên thạch cao sẽ mất bớt nước và chỉ còn CaSO4 1/2H2O. chất nầy uống vào sẽ hút nước, nở ra có thể gây tắc ruột mà chết. Trong đông y người ta thường nói sự nguy hiểm ấy như sau: Thạch cao là một vị thuốc đại hàn, nếu gặp lửa sẽ nguy hiểm chết người.

Tính vị, tác dụng : Theo tài liệu cổ, thạch cao có vị ngọt, cay, tính hàn, vào 3 kinh phế, vị và tam tiêu. Có tác dụng thanh nhiệt giáng hoả, trừ phièn, chỉ khát.

Công dụng và liều dùng : Cả đông và tây y đều dùng. Nhưng sử dùng có khác nhau:

1/. Tây y chỉ dùng thạch cao dưới dạng khan nước CaSO4 1/2H2O để băng bó, đắp khuôn, bó bột v.v.

2/. Ðông y coi thạch cao là một vị thuốc lạnh có tác dụng chữa các chứng sốt, sốt rét, trúng phong, mê sảng, đầu buốt và đau nhức. Các bệnh nhịêt, tráng nhiệt, mồ hôi trộm, phiền khát, miệng khô, lưỡi khô, sốt quá phát cuồng, phổi nhiệt sinh ho, vị hoả sinh nhức đầu, đau răng.  Ngày uống 10-30g dạng thuốc bột hay thuốc sắc. Người vị nhược, không thực nhiệt không dùng được.